Nhưng lưu ý khi sử dụng điện trong gia đình

Nếu như nguyên nhân của phần lớn những vụ cháy nổ liên quan đến điện là do mạng điện bị hỏng hoặc hệ thống điện quá tải thì những sự cố về điện trong nhà thường do sử dụng cẩu thả hoặc không đúng quy cách công năng của những thiết bị điện. Dưới đây là những điều nên và không nên khi sử dụng điện trong gia đình.
Nên:

- Che chắn toàn bộ ổ cắm điện và công tắc điện trên tường bằng tấm che, và thay thế ngay những thiết bị bị hỏng.

- Bảo vệ trẻ nhỏ và thú nuôi bằng cách dùng tấm bảo vệ che tất cả những ổ cắm không sử dụng, thiết kế dây điện ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ.

- Đảm bảo mọi thiết bị điện trong tình trạng hoạt động tốt, cách điện tốt và sử dụng chúng một cách an toàn. Vì rằng khi dây điện bên trong thiết bị bị hỏng và chạm vào vỏ máy, thì những thiết bị này cũng nguy hiểm như dây điện không có vỏ bọc bên ngoài vậy.

- Chỉ dùng dây nối điện cho những trường hợp sử dụng tạm thời.

- Thường xuyên kiểm tra mọi phích cắm, ổ cấm và dây điện trong nhà. Sửa chữa ngay những chỗ nối bị hở. Nếu cảm thấy phích cắm điện nóng một cách bất thường, phải tắt máy và rút phích ra khỏi ổ cắm. Kiểm tra dây điện, ổ cắm điện và thiết bị sử dụng điện.

- Cách ly mọi thiết bị điện với nguồn nước.

- Treo bảng cảnh báo ở cầu dao hoặc thiết bị ngắt điện để không ai chạm vào trong khi bạn đang thực hiện những sửa chữa nhỏ. Nếu bạn không chắc bạn sẽ sửa chữa mạch điện nào, thì phải đóng cầu dao chính hoặc rút cầu chì chính. Nên gọi thợ điện kiểm tra và sửa chữa khi xảy ra những trường hợp chập điện, hỏng hóc thiết bị không rõ nguyên nhân.

- Khi trong nhà có mùi cháy khét của dây điện, lập tức kiểm tra và tìm phích cắm đang quá tải và cháy hoặc thiết bị điện cháy do quá nóng để rút phích cắm và tất thiết bị điện đó.

- Khi xảy ra cháy do chập điện, phải cắt ngay nguồn điện rồi dùng bình cứu hỏa đặc biệt cho sự cố cháy vì điện nếu có. Trong trường hợp này không sử dụng nước, vì nước là chất dẫn điện nên có thể gây điện giật chết người.

Không nên:

- Giật dây điện khỏi ổ cắm, cách làm này có thể làm hỏng cả phích cắm lẫn ổ cắm.

- Cố dính dây điện vào một bề mặt khác bằng đinh hoặc đinh kẹp, cách làm này có thể làm hỏng vỏ bọc của dây điện. Xoắn, kéo căng hoặc đi trên dây điện cũng có thể làm hỏng phần vỏ bọc.

- Đóng đinh vào tường gần ổ điện đi ngầm.

- Sử dụng dây điện mà phần vỏ ngoài trở nên giòn hoặc bị hỏng, cho dù phần lõi vẫn chưa lòi ra ngoài. Cần quấn băng keo cách điện chung quanh trong khi chờ thay dây mới.

- Sửa chữa thiết bị điện khi chưa ngắt nguồn điện. Sửa chữa điện khi tay bị ướt.

- Nối tiếp nhiều đoạn dây nối điện với nhau.

- Đi dây điện trên thảm hay dưới đồ đạc, cách lắp đặt này có thể làm hỏng vỏ bọc dây điện.

- Cắm vào ổ điện số phích cắm nhiều hơn số phích mà nó có thể chịu được một cách an toàn, do hệ thống quá tải có thể dẫn đến cháy nổ, hỏng hóc.

Theo VNEEP